Những người quan tâm tới cây cà phê Việt Nam không khỏi “sởn gai ốc” trước thông tin 7 ngân hàng cùng xiết nợ Công ty Trường Ngân- một doanh nghiệp cà phê lớn ở tỉnh Bình Dương- với số tiền vay cả ngàn tỷ đồng. Rất có khả năng xảy ra nguy cơ một đợt vỡ nợ hàng loạt trong các doanh nghiệp kinh doanh cà phê.
Chưa hết, gần đây, cả Tây Nguyên lại rúng động về nhiều vụ vỡ nợ của các đại lý thu mua cà phê. Trước đó, đầu tháng 4/2013, hai cơ sở thu mua nông sản đã tuyên bố vỡ nợ gần 30 tỷ đồng cho thấy làn sóng vỡ nợ vốn xuất hiện ở Đăk Lăk, Đăk Nông vài năm trước nay bắt đầu quay lại ở Gia Lai.
Nguyên nhân chính dẫn đến “thảm trạng” này là giá cà phê nội địa và xuất khẩu rớt mạnh khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê nguy cơ thua lỗ vì trót thu gom cà phê lúc giá cao trước đó, nay sức ép đến hạn trả nợ ngân hàng buộc phải xuất khẩu với giá thấp.
Cũng lạ, từ lâu, Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) đã lên tiếng cảnh báo về sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2011- 2012 giảm mạnh tới 25% và niên vụ thu hoạch vào tháng 10/2013 giảm tới 30- 35%, song giá cà phê vẫn tuột dốc không phanh. Vì sao vậy?
Thực tế, hầu như năm nào cũng xảy ra chuyện doanh nghiệp cà phê vỡ nợ. Theo thống kê của Vicofa, trong năm 2012 có hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Riêng tỉnh Đăk Lăk năm 2012 đã có 43 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ, mất khả năng thanh toán khoảng 300 tỷ đồng và nợ nông dân 3.000 tấn cà phê nhân ký gửi. Hơn 1.000 nông dân Đăk Lăk trắng tay vì đã ký gửi cà phê cho các đại lý.
Những chuyện “biết rồi, khổ lắm” trong lĩnh vực sản xuất- kinh doanh cà phê sao nói mãi… vẫn thế, không có giải pháp cải thiện tình hình? Nợ đã vỡ, doanh nghiệp, đại lý chịu thiệt hại đã đành, có thể lấy những cái khác bù đắp, nhưng thiệt hại lớn nhất luôn đè lên vai người nông dân vì họ chẳng còn gì ngoài tờ giấy nợ viết tay khi ký gửi cà phê.
Nhìn rộng hơn, cũng như mặt hàng gạo, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì thế giới, vì sao vẫn luôn chịu thế yếu? Phải chăng do cả quản lý lẫn kinh doanh chưa vươn đúng “tầm”, để cà phê Việt mãi… đắng?