Y5CAFE

‘Chật vật’ đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Kể từ khi bị một công ty Trung Quốc ‘cướp trắng’ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vào năm 2011, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã có những biện pháp nhằm ‘đòi’ lại tên tuổi và để được bảo hộ nhãn hiệu nhưng cho tới giờ vẫn gặp phải không ít khó khăn.

Bị ‘cướp trắng’ thương hiệu

Cà phê Buôn Ma Thuột được đánh giá là một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng tại Việt Nam được trồng trên cao nguyên Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên. Nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” cũng đã được Cục Sỡ hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng bạ vào tháng 10/ 2005. Tuy nhiên, vào năm 2011, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm này đã bị một công ty Trung Quốc là Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd đăng ký bảo hộ độc quyền 10 năm với 2 nhãn hiệu số 7611986 và 7970830.

Không những vậy, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng phát hiện nhãn hiệu “Cafe Ban Ma Thuot” đã bị công ty Rice Field Corporation của Mỹ ‘nhanh tay’ đăng ký bảo hộ vào ngày 4/8/2003. Bên cạnh đó, nhãn hiệu có từ “Buon” cũng được đăng ký cho 30 nhóm sản phẩm cà phê khác tại Hàn Quốc.

Kiên trì đòi thương hiệu

Ngay sau khi phát hiện việc bị công ty Trung Quốc ‘cướp’ thương hiệu, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã đại diện cho UBND tỉnh Đăk Lăk đứng ra khởi kiện nhằm đòi lại tên tuổi và đăng ký được bảo hộ nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” tại 17 quốc gia trên thế giới. Cho đến nay, mới chỉ có một số nước như Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Singapore và Luxembourg chấp nhận. Các nước còn lại là Anh, Đức, Canada, Nhật Bản… đều từ chối bảo hộ.

Tại các nước như Anh và Đức thì theo quy định của pháp luật, Buôn Ma Thuột là tên địa lý chỉ xuất xứ của sản phẩm nên không ai được quyền sở hữu riêng tư. Trong khi đó, các quốc gia là Hàn Quốc, Canada, và Mỹ đều từ chối bảo hộ vì lý do nhãn hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với những nhãn hiệu tương tự đã được bảo hộ trước đó.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, Hiệp hội cùng Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh đang phối hợp tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết và kiên quyết không bỏ cuộc mà sẽ theo đuổi đến cùng. Tuy nhiên, để việc khiếu nại và đăng ký bảo hộ được thực hiện hiệu quả, Việt Nam cần phải đưa ra những bằng chứng xác thực cho thấy sản phẩm đã có mặt tại các quốc gia Mỹ, Canada, Hàn Quốc… trước khi bị các tổ chức khác đăng ký thương hiệu. Ông cho biết hiện tại, ngành cà phê trong nước vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột chưa được xuất khẩu rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm tới, người tiêu dùng có thể hiểu nhầm về xuất xứ của loại cà phê này, gây ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất trong nước. Thậm chí, các doanh nghiệp Việt Nam còn có nguy cơ bị ‘kiện ngược’ bởi các đối thủ nước ngoài.

Trước mắt, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục làm đơn phản đối gửi các nước. Tại các quốc gia mà nhãn hiệu “Buon” hoặc “Buon Ma Thuot” đã được các tổ chức khác đăng ký bảo hộ, UBND tỉnh Đăk Lăk được đề nghị sẽ dừng bảo hộ nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” và chuyển sang đăng ký một nhãn hiệu khác.

Exit mobile version