Y5CAFE

Đắc Lắc: Trên 500 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT bị chiếm đoạt

Từ đầu năm đến nay, thu ngân sách nhà nước từ thuế của tỉnh Đắc Lắc thấp kỷ lục. Đây là hậu quả của tình trạng có quá nhiều doanh nghiệp đen đã xâm nhập vào lĩnh vực đem lại nguồn thu chủ yếu của tỉnh là kinh doanh cà phê.

Hàng chục doanh nghiệp được thành lập, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp thu mua hàng trăm nghìn tấn cà phê, sau đó bỏ trốn, đã chiếm đoạt khoảng trên 500 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Việc ngăn chặn hoạt động kinh doanh phi pháp này đang được đặt ra rất cấp bách. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Bùi Văn Chuẩn, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đắc Lắc về vấn đề này.

PV: Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng như trong thời gian qua tại tỉnh Đắc Lắc?

Ông Bùi Văn Chuẩn: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là những kẽ hở của pháp luật được các loại tội phạm lợi dụng triệt để. Thứ nhất là lợi dụng sơ hở trong việc cấp giấy phép kinh doanh. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, trong số 15 doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc thì đã có 12 doanh nghiệp sử dụng chứng minh nhân dân giả để thành lập doanh nghiệp mua bán cà phê. Còn lại 3 doanh nghiệp thì có một cá nhân đứng đằng sau 3 doanh nghiệp này thuê cá nhân lên Đắc Lắc thành lập doanh nghiệp mua bán cà phê.

Thứ hai là sơ sở trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn và phát hành hóa đơn. Các đối tượng này triệt để lợi dụng việc này để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn bất hợp phát mà chủ yếu là sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp trước khi bỏ trốn để hợp thức hóa đầu vào thay vì phải thực hiện bảng kê 01 để kê khai 5% thuế giá trị gia tăng ở địa phương.

PV: Diễn biến của loại tội phạm này thời gian gần đây có gì mới thưa ông?

Ông Bùi Văn Chuẩn: Cho đến nay cơ quan thuế và cơ quan công an tỉnh Đắc Lắc đã phát hiện 38 doanh nghiệp trong đó có 30 doanh nghiệp sử dụng chứng minh nhân ở các tỉnh ngoài để thành lập doanh nghiệp. Qua kiểm tra, xác minh, giám sát hồ sơ khai thuế thì phát hiện các doanh nghiệp này sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Điều đáng nói là hiện nay, đa số các doanh nghiệp này đã bỏ trốn khỏi địa bàn, chưa xử lý triệt để được, tiếp tục sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, xuất hóa đơn này cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiếp tục chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.

PV: Như ông vừa trao đổi, các hành vi chiếm đoạt thuế của các doanh nghiệp đen này rất khó xử lý triệt để. Phải chăng không có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

Ông Bùi Văn Chuẩn: Hiện nay, Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh tạm dừng cấp phép thành lập doanh nghiêp kinh doanh nông sản đối với các chủ doanh nghiệp có hộ khẩu ngoài nhằm góp phần ngăn chặn các hoạt động thành lập doanh nghiệp đen để thực hiện các hành vi trốn thuế. Cơ quan điều tra cũng tiếp tục điều tra để làm rõ, đặc biệt là một số doanh nghiệp thành lập mà có các cá nhân, tổ chức hậu thuẫn đằng sau.

Cơ quan thuế cũng tiếp tục phối hợp với cơ quan công an các địa phương làm rõ hoạt động của các đơn vị doanh nghiệp còn lại. Hai lực lượng tích cực phối hợp để sớm đưa loại tội phạm này ra xét xử, trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp chân chính.

PV: Về biện pháp lâu dài, theo ông, cần phải có những điều chỉnh gì trong chính sách nhằm hạn chế tình trạng gian lận thuế trong mua bán cà phê xuất khẩu hiện nay?

Ông Bùi Văn Chuẩn: Chúng tôi tiếp tục kiến nghị với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề sớm sửa luật giá trị gia tăng, tức là chuyển mặt hàng nông sản xuất khẩu vào đối tượng không chịu thuế. Như thế tất cả thuế giá trị đầu vào không được khấu trừ thì các đối tượng sẽ không lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt thuế. Thứ hai là tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, kịp thời phát hiện, quản lý tại gốc, sớm phát hiện từ khâu thành lập doanh nghiệp, khâu kê khai thuế để ngăn chặn tình trạng này.

Exit mobile version