Y5CAFE

Phía sau những giọt cà phê đen

Buổi sáng chủ nhật ngồi sau cửa kính một quán cà phê đã tồn tại cả thế kỷ giữa trung tâm Saigon, nhìn những giọt đen đậm đặc thơm ngát sóng sánh trong lòng chiếc tách sứ trắng tinh, chợt nhận ra những giọt đen ấy hiện diện thường trực đến thế nào trong cuộc sống này, chẳng phải chỉ là cuộc sống của riêng một ai, mà là cuộc sống của ít nhất hai phần ba nhân loại, có lẽ thế…

Có thể nói không ngoa, cà phê là một trong những loại thức uống thông dụng hàng đầu trên toàn thế giới. Nó hiện diện ở mọi quốc gia, mọi châu lục, từ nhà hàng sang trọng nhất đến xó xỉnh bần cùng nhất, có mặt trong bữa ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, có mặt trước, trong và sau công việc, là người bạn không thể không có khi người ta ngồi một mình, nhưng cũng không hay vắng trong dịp giao lưu bạn bè, trong buổi hẹn hò của những người yêu nhau…

Cà phê trở thành đối tượng nghiên cứu và ứng dụng của những nhà nông lâm nghiệp học, những nhà xã hội học, những người làm văn hoá, những người chăm sóc sức khoẻ, những người làm kinh tế… và đã vài lần, nó là nguyên nhân của những cuộc chiến tranh giữa các thế lực khác nhau. Người ta dùng cà phê theo vô số cách, nóng hay lạnh, nguyên chất hay pha thêm sữa, đường, cho vào bánh kẹo, kem, nước giải khát…

Thế nhưng, cũng như đa số mọi chuyện trên đời, cà phê có mặt tốt và mặt xấu của nó, và ảnh hưởng của cà phê đến sức khoẻ mỗi người tùy thuộc vào cách dùng cà phê như thế nào. Thành phần chủ yếu của cà phê và cũng là thành phần có tác dụng đối với cơ thể người và động vật là cafein. Cafein có tác dụng kích thích hoạt động của hệ thần kinh, làm gia tăng các hoạt động thể chất có liên quan đến hệ thần kinh như hoạt động trí não, gia tăng trạng thái thức tỉnh, gia tăng hoạt động tư duy, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng hoạt động của hệ thần kinh, cơ bắp… và qua đó, nó có tác dụng làm tăng sự hưng phấn tinh thần, làm tăng sự tập trung trí óc và hiệu quả làm việc.

Thế nhưng cafein cũng có thể gây các tác hại đáng kể đến sức khoẻ con người nếu lạm dụng. Các nghiên cứu trên chuột với liều cao kéo dài liên tục cho thấy cafein có thể gây mệt mỏi suy nhược, làm gia tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, huyết áp, viêm loét dạ dày, tá tràng…

Những người có nguy cơ đầu tiên có lẽ là những người có thói quen chỉ dùng một ly cà phê để thay thế hoàn toàn cho bữa sáng. Bữa ăn sáng là một bữa ăn chính cần thiết cung cấp 30-40% nhu cầu năng lượng hàng ngày của cơ thể, phục vụ cho buổi làm việc kéo dài đến 4-5 giờ với một cường độ lao động cao. Thông thường một người lớn bình thường cần ăn bữa sáng có mức năng lượng vào khoảng 600-800kcalo từ nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Ly cà phê nếu không cho thêm đường, sữa, hầu như không có năng lượng, trong khi hoạt động của cơ thể lại tăng lên dưới tác dụng kích thích của cafein, nên cơ thể sẽ phải huy động năng lượng dự trữ và tình trạng này kéo dài sẽ làm suy kiệt nguồn dự trữ của cơ thể, nhất là nguồn dự trữ chất đạm, vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự chuyển hoá các chất dự trữ của cơ thể thành nguồn năng lượng cho hoạt động.

Nếu cho thêm đường, sữa… ly cà phê có thể cung cấp khoảng 100 đến tối đa 150kcalo, chỉ đạt chưa đến 1/3 nhu cầu bình thường, đồng thời các thành phần dinh dưỡng lại không cân đối, đa phần là năng lượng rỗng từ đường đơn giản. Vì vậy, ly cà phê nên được xem là thành phần thêm vào cho một bữa sáng chứ không phải là phần chính trong bữa sáng, và tốt nhất là nên uống sau khi ăn.

Một số người có thói quen uống cà phê nhiều lần trong ngày. Điều này cũng có thể chấp nhận được nếu cà phê được pha loãng, không đường, và không quá 6 tách mỗi ngày, tức là vào khoảng 600ml. Điều cần chú ý là độ loãng của cà phê. Các loại cà phê pha bằng máy tự động thường loãng hơn nhiều so với cà phê pha bằng phin có khi đến 5-6 lần, vì vậy 6 tách cà phê loãng này chỉ bằng 1 tách cà phê phin. Ngoài ra, những người có tầm vóc và cân nặng thấp cũng nên dùng cà phê ít hơn so với người cao lớn, nặng cân. Nếu nghiện uống cà phê đậm đặc, cũng không nên vượt quá 2 ly mỗi ngày.

Cà phê thường được lạm dụng nhất trong những trường hợp cần thức tỉnh để làm việc như sinh viên học sinh cần thức đêm để học bài thi, những người làm công tác nghiên cứu, sáng tác cần sự tập trung để làm việc, công nhân, tài xế đường dài sợ ngủ gật trong lúc đứng máy hay đang lái xe trên đường xa… Ít có ai chú ý đến chuyện sau thời gian tỉnh táo dưới tác dụng của cà phê, các giấc ngủ thường kéo dài hơn nếu không cơ thể sẽ rất mệt mỏi, lừ đừ. Đó là quy luật sinh lý của cơ thể cần được tôn trọng, để các tế bào thần kinh có thời gian nghỉ ngơi sau khi hoạt động gắng sức.

Nếu uống cà phê liên tục để kích thích trí não, có thể dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh do làm việc quá sức, gia tăng nhạy cảm với stress… và có thể dẫn đến tình trạng nghiện cà phê, tức là phải có cafein kích thích tế bào thần kinh mới chịu làm việc, và càng ngày đương nhiên sẽ với “đô” càng cao hơn để kích thích những tế bào thần kinh đã mệt mỏi. Điều này chẳng hay chút nào, vì đồng thời với kích thích thần kinh, cafein cũng làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng tiết dịch vị… và như vậy cũng có thể làm tăng các nguy cơ bệnh lý về tim mạch, tiêu hoá…

Cà phê tuyệt đối không nên dùng ở trẻ em và phụ nữ có thai hay đang cho con bú . Các tác hại mặc dù vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng nhìn chung giống như tất cả những chất có tác dụng kích thích hoạt động của cơ thể khác, người ta khuyến cáo không sử dụng cà phê ở những đối tượng này. Ngoài ra, những đối tượng khác cần kiêng cữ cà phê là những bệnh nhân tim mạch, huyết áp, tiểu đường, loét dạ dày tá tràng, viêm ruột kích thích, các bệnh nhân có các bệnh lý thần kinh như rối loạn thần kinh thực vật, suy nhược thần kinh…

Suy cho cùng, cà phê chỉ là một loại thực phẩm vô tội như những loại thực phẩm khác, mặc dù nó có thể được thi vị hoá với những đôi mắt nghệ sĩ, thương mại hoá với những đầu óc kinh tế, bi quan hoá với cách nhìn của thầy thuốc… Những giọt đen đen sách đăc thơm ngon hấp dẫn ấy có thể làm cho cuộc sống thi vị hơn, hữu dụng hơn, năng động hơn, hay là nguyên nhân của các vấn đề sức khoẻ. Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào cách chúng ta dùng nó như thế nào.

Exit mobile version