Y5CAFE

Tăng tiêu thụ cà phê nội địa và bài toán an toàn vệ sinh thực phẩm

Tăng giá trị cho cà phê Việt Nam: Kích cầu nội địa và bài toán an toàn vệ sinh thực phẩm

Các chuyên gia trong lĩnh vực cà phê tin tưởng, nếu Việt Nam có biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa hiệu quả, ngành cà phê sẽ mang lại cho đất nước khoản doanh thu thêm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Giới kinh doanh cà phê vẫn thường đưa ra câu chuyện “2 USD và 100 USD” để nói về giá trị tăng thêm của chế biến sâu đối với sản phẩm cà phê. Chuyện rằng, khi Việt Nam bán 1kg cà phê nhân chỉ thu về khoảng 2USD – tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê ở các nước nhập khẩu.

Trong khi đó, mỗi kg cà phê có thể pha được chừng 50 ly cà phê! Để thu về 100USD từ 5 ly cà phê thay vì chỉ có 2USD từ 1kg cà phê nhân, Việt Nam phải đẩy mạnh chế biến song song với việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cà phê đã chế biến.

Trong điều kiện hiện nay, thúc đẩy tiêu dùng cà phê nội địa chính là cách làm căn cơ nhất, vì các quốc gia trên thế giới thường bảo hộ sản xuất trong nước nên xuất khẩu cà phê chế biến khó hơn rất nhiều so với cà phê thô.

Muốn khai thác và phát triển tốt ở thị trường nội địa, các chuyên gia trong lĩnh vực chế biến cà phê cho rằng, Việt Nam cần quan tâm xử lý có hiệu quả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cà phê.

Hiện thị trường cà phê rang xay đang tồn tại một thực trạng “vàng thau lẫn lộn”, bên cạnh các sản phẩm chất lượng tốt cũng còn không ít sản phẩm bị pha tạp, chất lượng thấp, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đây là hệ quả của một thời gian dài chúng ta chạy đua theo số lượng, buông lỏng quản lý.

Còn nhớ những năm trước 1990, cà phê nguyên liệu rất hiếm và giá cả khá đắt đỏ, nhiều cơ sở rang xay cà phê đã sử dụng bắp và một số loại hạt khác để độn vào. Một số trường hợp còn dùng phụ gia như rượu, bơ, hạt cau, thậm chí cả nước mắm, chất hóa học không rõ nguồn gốc, xuất xứ độn vào cà phê để tạo… “gu” riêng!

Tình trạng này kéo dài năm này sang năm khác đã tạo nên “gu cà phê tạp” (giới sản xuất cà phê còn gọi đó là sản phẩm cà phê không làm từ cà phê) trên thị trường cà phê rang xay. Chính điều này càng khuyến khích các cơ sở sản xuất chỉ chú trọng vào việc tìm kiếm các chất độn rẻ tiền, với mục đích chính là càng kiếm được nhiều lợi nhuận càng tốt chứ không chú ý đến việc đầu tư công nghệ, kỹ thuật chế biến. Đại diện các doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm tâm sự, chất lượng cà phê rang xay đang bị mất kiểm soát và ở mức báo động đỏ; thủ thuật độn của các cơ sở rang xay rất tinh vi, họ không công bố hoặc công bố không chính xác trên bao bì đóng gói khiến người tiêu dùng khó mà biết được.

Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu. Tất cả những yếu tố trên đã và đang khiến người tiêu dùng “quay lưng” hoặc hạn chế sử dụng cà phê rang xay.

Muốn kiểm soát được chất lượng cà phê rang xay, nhiều người cho rằng, bên cạnh cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, những người làm cà phê cũng phải thành lập cho riêng mình một tổ chức, với lực lượng chủ yếu là đại diện của các nhà rang xay, người tiêu dùng (hoặc cơ quan bảo vệ người tiêu dùng) và cơ quan báo chí.

Tổ chức này có chức năng đánh giá các loại cà phê rang xay; đưa ra bộ tiêu chí chất lượng của cà phê “sạch”; vận động nhà rang xay thực hiện các tiêu chuẩn đó; cho phép các nhà rang xay thực hiện tốt tiêu chuẩn được gắn chứng nhận “cà phê sạch” của tổ chức; quảng bá chất lượng của các loại cà phê được gắn chứng nhận “cà phê sạch”; thanh tra, kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm lưu thông trên thị trường; xử lý các nhà rang xay không thực hiện đúng cam kết về tiêu chuẩn “cà phê sạch” đã được gắn chứng nhận….

Tổ chức này hoạt động dựa vào một phần vốn Nhà nước cấp, hội viên đóng góp và tiền phạt thu được. Các chuyên gia trong lĩnh vực cà phê cho biết thêm, mô hình này đã được Brazil triển khai và mang lại hiệu quả rất cao. Những năm 80 của thế kỷ trước, cà phê của Brazil cũng đã từng rơi vào tình trạng bị người tiêu dùng trong nước tẩy chay vì lý do bị pha tạp và chất lượng thấp.

Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp, trong đó có việc thanh lọc và nâng cao chất lượng cà phê rang xay thông qua thành lập một tổ chức tương tự mô hình nêu trên, chỉ 10 năm sau đó, việc rang xay cà phê đã đi vào nề nếp, tạo ra những sản phẩm chất lượng nên người tiêu dùng mới quay lại sử dụng sản phẩm.

Theo: Báo Daklak

Exit mobile version