Y5CAFE

Tín dụng cho cây cà phê

Mặc dù nguồn vốn đầu tư cho tái canh và phát triển công nghệ chế biến cà phê đã được các ngân hàng khẳng định không thiếu nhưng để việc giải ngân gói tín dụng này các ngân hàng cần sự hợp tác chặt chẽ từ phía địa phương đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu vì việc kiểm soát dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng luôn là yếu tố khiến ngân hàng nghi ngại.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tái canh cây cà phê và tăng cường chế biến sâu, vừa qua tại Gia Lai, lãnh đạo các ngân hàng đã công bố sẽ dành một gói tín dụng trị giá 3.300 tỷ đồng hỗ trợ tái canh cây cà phê Tây Nguyên và nhiều nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp (DN) vay đầu tư công nghệ chế biến hiện đại.

Cơ hội hồi sinh nhỏ nhoi

Ông Võ Huỳnh, Giám đốc Agribank chi nhánh Đăk Lăk cho biết, hiện nay để thực hiện chủ trương đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng cho tái canh cây cà phê, Agribank Đăk Lăk đã triển khai kế hoạch phối hợp với UBND tỉnh và Phòng Kinh tế các huyện lập kế hoạch phân bổ nguồn vốn đến các chi nhánh của hệ thống ngân hàng.

Nếu không có quỹ hỗ trợ vốn, cà phê sẽ khó thoát khỏi khó khăn về giá

Theo ông Huỳnh, với tổng nguồn vốn hơn 3.300 tỷ đồng, hệ thống Agribank sẽ triển khai cho vay trung hạn và dài hạn trong vòng từ 3-5 năm đối với các nông hộ sản xuất cà phê. Số lượng vốn giải ngân cho nông hộ vay tái canh cà phê sẽ được căn cứ vào kết quả tính toán tổng chi phí tái canh ở từng địa phương, trong đó bao gồm chi phí giống, phân bón, cải tạo đất và đầu tư công nghệ.

Ông Huỳnh cũng cho biết, nếu địa phương phối hợp làm sớm công tác thống kê và tính toán diện tích cà phê cần tái canh thì ngay đầu tháng 5/2013 Agribank Đăk Lăk sẽ bắt đầu giải ngân để kịp vào mùa mưa thuận lợi cho bà con nông dân tiến hành trồng mới và ghép chồi trên gốc cũ.

Thống kê của Agribank Đăk Lăk cho thấy trong năm 2012 vừa qua tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này đạt khoảng gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 91%. Năm 2013 Agribank Đăk Lăk đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định nguồn vốn từ 4,5-5%, dư nợ cho vay tối thiểu đạt 9.500 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm nay. Vì thế ông Huỳnh khẳng định nguồn vốn cho DN và người dân vay tái canh và sản xuất kinh doanh cà phê là không thiếu.

Tương tự, tại tỉnh Gia Lai, ông Phan Tiến Thu, Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lai cho biết, tính đến cuối tháng 3/2013, nguồn vốn huy động của ngân hàng đã đạt khoảng gần 5.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt khoảng 7.350 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm đến 97%, hầu hết khách hàng của Agribank Gia Lai là nông hộ sản xuất cà phê và các ngành hàng nông nghiệp.

Ông Thu cho rằng trong khi chờ NHNN có một chính sách lãi suất dài hạn cụ thể và ổn định hơn, hiện các chi nhánh cấp huyện của Agribank Gia Lai vẫn tiến hành cho các hộ dân vay trung hạn để đầu tư chăm sóc và trồng mới cà phê trong những khu vực được địa phương quy hoạch.

Trong khi đó, tại Lâm Đồng, trong thời gian qua mặc dù chưa triển khai việc cho vay tái canh cà phê nhưng hệ thống Agribank của tỉnh đã lồng ghép trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để cho nông hộ vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Theo đó, năm 2012 đã có khoảng hơn 2.200 tỷ đồng được giải ngân cho các hộ nông dân vay để phát triển trồng hoa, trồng rau, chè và cà phê.

Địa phương và doanh nghiệp cần tích cực

Mặc dù nguồn vốn đầu tư cho tái canh và phát triển công nghệ chế biến cà phê đã được các ngân hàng khẳng định không thiếu nhưng để việc giải ngân gói tín dụng này các ngân hàng cần sự hợp tác chặt chẽ từ phía địa phương đặc biệt là các DN kinh doanh xuất khẩu vì việc kiểm soát dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng luôn là yếu tố khiến ngân hàng nghi ngại.

Hơn nữa nhiều ngân hàng cổ phần hiện chưa quan tâm nhiều đến cho vay cà phê do món vay nông nghiệp nhỏ lẻ nên hầu hết các chủ nhà băng ngán ngại. Nhất là rủi ro từ thiên nhiên và cung cách làm ăn trong nông nghiệp manh mún, thiếu chữ tín càng làm các ngân hàng ngán ngại hơn. Trong khi các ngân hàng nước ngoài chủ yếu cho các công ty lớn và DN có vốn đầu tư nước ngoài lên Tây Nguyên thu mua cà phê chế biến với hợp đồng xuất khẩu chắc ăn.

Theo một giám đốc ngân hàng lớn tại Gia Lai, hiện nay sự gắn kết giữa các hộ trồng cà phê và DN sản xuất, chế biến, kinh doanh thương mại rất lỏng lẻo. Từ sự lỏng lẻo này dẫn đến tình trạng phập phù về nguyên liệu đối với các DN và rủi ro cao đối với người nông dân.

Trong khi đó đứng về phía ngân hàng, khi các tài sản đảm bảo của khách hàng chủ yếu là hàng hoá tồn kho, tài sản hình thành từ vốn vay, và đất nông nghiệp thì chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn trong việc nhận, quản lý và giám sát tài sản đảm bảo. Và đây cũng là lý do chính mà các ngân hàng phải mất nhiều thời gian và công sức cho việc thẩm định hồ sơ vay, dẫn đến tình trạng giải ngân chậm so với nhu cầu nguồn vốn.

“Vốn cho DN vay không thiếu nhưng nếu cho vay mà DN không còn cơ hội để hồi phục thì lại gây khó cho cả ngân hàng lẫn DN. Thực tế cho thấy các mùa vụ cà phê trước đây khi giá cà phê xuống thấp nhiều DN đã đẩy ngân hàng vào thế khó khiến nợ xấu tăng nhanh nên việc các ngân hàng hiện nay siết chặt bằng các thủ tục giải ngân cũng là một giải pháp để hạn chế thiệt hại nguồn vốn” – vị giám đốc này nói.

Trong khi đó, về việc cho vay tái canh cà phê, ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho rằng, không chỉ các ngân hàng cần tích cực tạo điều kiện cung cấp tài chính mà phải có sự kết hợp chặt chẽ của các DN, đoàn thể và bản thân nông hộ. Thêm vào đó mức hỗ trợ của Nhà nước đối với cây cà phê cần phải được nâng lên.

Theo ông Nhạn, cách làm của Colombia và Ấn Độ nên được các địa phương ở Tây Nguyên nghiên cứu để học tập. Chẳng hạn tại Colombia khi chương trình tái canh cây cà phê được thực hiện, Liên đoàn những người trồng cà phê ở nước này đã trực tiếp xây dựng kế hoạch trợ giúp người nông dân về nguồn vốn và kỹ thuật.

Theo đó, mỗi nông hộ tái canh 20% diện tích của mình và được Chính phủ chi trả 40% các khoản nợ. Các DN kinh doanh cà phê sẽ phối hợp với người nông dân quản lý rủi ro và xúc tiến việc tiêu dùng cà phê trong nước… Hiện mỗi năm Colombia tái canh khoảng 70.000 ha cà phê. Họ thực hiện kế hoạch này đến hết năm 2020 để đổi mới 300.000 ha cà phê già cỗi.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên cũng cho rằng, Nhà nước phải tăng mức hỗ trợ, đồng thời phải gắn trách nhiệm cho các DN sản xuất kinh doanh. “Hiện nay cuộc sống của hầu hết các hộ dân ở Tây Nguyên phụ thuộc vào vườn cà phê, nếu không được Nhà nước và các DN hỗ trợ về kinh phí trong hai năm đầu thì nhiều khả năng người dân sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác như ngô, sắn. Lúc đó thì sản lượng cà phê sẽ sụt giảm rất nhiều” – ông Báu nói.

Exit mobile version