Cà phê Việt Nam: Những tín hiệu vui và bài học năm 2010

Giá cà phê đang liên tục tăng là tin vui vào ngày đầu năm 2011 cho nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, thị trường rất có thể sẽ đảo chiều nên cần cảnh giác để nâng cao giá trị, tránh bị ép giá.

quả cà phê

Dấu hiệu khởi sắc

Sau khi bất ngờ tăng tới 70 USD/tấn vào ngày cuối năm 2010, trong phiên giao dịch ngày 4/1/2011 trên thị trường London, giá cà phê tiếp tục tăng thêm 17 USD/tấn từ mức 2.082 USD/tấn (ngày 1/1) lên 2.099 USD/tấn.

Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng thêm từ 300 – 400 đồng/kg và dao động quanh mức 37.300 – 37.400 đồng/kg. Đây thực sự là tin vui vào những ngày đầu năm 2011 cho nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, sản lượng cà phê niên vụ 2010-2011 có khả năng giảm khoảng 15% so với kế hoạch do thời tiết không thuận lợi.  Dự kiến sản lượng cà phê chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn.

Tại Đắc Lắc, nơi có sản lượng cà phê cao nhất nước, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp tăng cường công tác bảo vệ vườn cây, sản phẩm cà phê chỉ thu hoạch đại trà khi vườn cây có tỷ lệ quả chín đạt từ 90% trở lên nhằm bảo đảm chất lượng cà phê xuất khẩu. Dự kiến, niên vụ cà phê 2010-2011 này, Đắc Lắc có khoảng 170.000 ha cà phê cho thu hoạch.

Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, tuy sản lượng cà phê niên vụ 2010-2011 giảm sút nhưng giá cà phê đang ở mức cao giúp nông dân bù lại những thiếu hụt về sản lượng.

Với mức giá cà phê như hiện nay, cộng với thông tin Chính phủ sẽ hỗ trợ mua tạm trữ khoảng 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu năm thì chắc chắn giá cà phê trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mạnh, nông dân trồng cà phê hiện đang rất phấn khởi.

Những người trồng cà phê tại Tây Nguyên cho biết, chưa bao giờ vào đầu vụ mà giá cà phê lại ở mức cao như năm nay. Đây là dấu hiệu khởi sắc cho thị trường cà phê trong năm mới.

Thắng lợi bất ngờ

“Bất ngờ bởi, từ chỗ không ai mua cà phê trong những tháng đầu năm 2010 thì đến giữa năm lại xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán và mua bằng mọi giá, với mọi tiêu chuẩn. Trong khi đó, ảnh hưởng của thời tiết cũng đã làm sản lượng cà phê thu hoạch sụt giảm. Nhưng kết quả, dù không đạt được tăng trưởng về lượng nhưng được lợi về giá đã giúp cà phê mang về 1,763 tỷ USD trong năm 2010, tăng 1,9% so với năm 2009. Giá cà phê xuất khẩu năm nay đạt bình quân 1.503 USD/tấn, so với 1.462 USD/tấn của năm ngoái” – Ông Phan Hữu Để, Tổng thư ký Hiệp Hội Cà phê ca cao Việt Nam khẳng định.

Theo ông Để, góp phần vào thành công này của ngành cà phê không thể không kể đến các Quyết định của Chính phủ từ đầu năm 2010 về việc mua tạm trữ khoảng 200.000 tấn cà phê cho nông dân nhằm chặn đà giảm giá và giúp nông dân không bán tháo hàng khi niên vụ thu hoạch 2010 kết thúc.

Thông tin này đã ngay lập tức khiến cà phê tăng giá. Từ ngày 16/3 đến 20/3,  chỉ trong vòng 5 ngày, giá cà phê thế giới tại thị trường London đã tăng từ 1.201 USD/tấn nhân lên 1.267USD/tấn.

Sự tăng giá trở lại này sau khi lập đáy thấp nhất trong vòng 5 năm qua vào ngày 16/3, được đánh giá là nhờ tác động từ thông tin Việt Nam sẽ mua dự trữ 200.000 tấn cà phê kể từ ngày 15/3.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến đà tụt giảm giá cà phê thế giới là trong một thời điểm ngắn thị trường bán ra quá nhiều dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Ngay sau đó, hai nước xuất khẩu cà phê hàng đầu và thứ ba thế giới là Brazil, Indonesia cũng có kế hoạch can thiệp vào thị trường giống như cách mà Việt Nam làm. Hiệp hội Cà phê hai nước này đã có những tiếp xúc với Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam và quan điểm chung của họ là “ủng hộ việc cắt giảm nguồn cung cà phê để kéo giá lên”.

Nâng cao giá trị, tránh bị ép giá

Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu ngày 30/12 do Bộ Công thương tổ chức, ông Phan Hữu Để cảnh báo: “Năm 2011 có thể thị trường sẽ đảo chiều nên cần cảnh giác để nâng cao giá trị cà phê, tránh bị ép giá”.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, tuy nhiên, giá trị cà phê mang lại cho người nông dân và xuất khẩu lại không cao. Một trong những nguyên nhân theo Ths. Trần Thị Quỳnh Chi – Chủ trì đề tài HTX cà phê đưa ra tại hội thảo “Nghiên cứu cơ sở khoa học thành lập hợp tác xã và Hiệp hội người sản xuất cà phê Việt Nam” diễn ra ngày 28/12 tại Hà Nội là do do chất lượng cà phê của Việt Nam chưa có đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Cà phê xuất khẩu nhưng vẫn phối trộn để tăng lượng và giảm giá thành, không phải hàng chất lượng cao để tạo hương vị. Hầu hết cà phê xuất khẩu dưới dạng nhân thô, không qua chế biến, có đến 99% cà phê chưa rang xay.

Bên cạnh đó, còn do quy mô sản xuất quá nhỏ lẻ với trên 85% số hộ trồng cà phê có diện tích dưới 2 ha. Điều này hạn chế khả năng mở rộng sản xuất, giảm hiệu quả đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ đồng bộ,… dẫn đến chất lượng cà phê Việt Nam không đồng đều. Phương pháp chế biến còn lạc hậu, mang tính thủ công. Trên 90% cà phê được chế biến bằng phương pháp khô và bán ướt.

Quá trình sơ chế phân tán, trên 80% sản lượng chế biến tại các hộ nhỏ lẻ, trong đó 50% hộ thiếu sân phơi và 80% hộ không có máy sấy, phải phụ thuộc vào thời tiết. Số lượng máy sấy chủ yếu là sản xuất trong nước nên công nghệ không cao, còn máy nhập khẩu thì số lượng rất ít do giá thành cao. So với yêu về chất lượng xuất khẩu thì năng lực sơ chế này chỉ đạt 20%, khâu tinh chế đạt 40%, công nghệ sấy chất lượng cao chỉ đạt 20%.

Theo ông Để, giá trị cà phê thấp còn do việc thu hái cà phê xanh. “Chúng tôi yêu cầu người nông dân thu hái cà phê chín, đảm bảo ít nhất là 89% và doanh nghiệp phải mua cà phê đạt chất lượng. Như vậy, giá mới được đảm bảo và chính người nông dân mới không bị thiệt”- ông Để nói.

Ông Để cho rằng, sự hạn chế về chất lượng đã khiến cho cà phê Việt Nam không tạo dựng được thương hiệu, từ đó dẫn đến không phân biệt được giá.

Ngoài ra, một trong những yếu tố khiến cho giá trị cà phê thấp được bà Chi chỉ ra là do cà phê Việt Nam bị các nhà đầu cơ quốc tế thao túng do chưa thiết lập được hệ thống chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chuyên nghiệp. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng cà phê còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán ngay trên sân nhà, vô hình chung đã tự làm giảm giá cà phê Việt Nam trên chính sân nhà, chứ chưa nói đến xuất khẩu.

Mặt khác, Việt Nam chưa biết tận dụng và khai thác các thị trường cà phê truyền thống như EU, Mỹ,… và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật,…

Một bài học khác, sẽ là không thừa khi nhắc lại, tại thời điểm đầu năm 2010, ngành cà phê trong nước phải đối mặt với những biến động quá lớn, diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động xuất khẩu cà phê luôn bị các nhà đầu cơ quốc tế thao túng. Mà theo đánh giá của các chuyên gia là do họ biết các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều lô hàng “bán trừ lùi” chưa chốt giá (do chờ giá sẽ lên), nên họ đã cố tình ép giá xuống. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê theo phương thức trừ lùi bị thua lỗ rất nặng, vì có những doanh nghiệp ký hợp đồng trừ lùi lên đến 90-100 USD/tấn, thậm chí 120 USD/tấn lúc đầu vụ.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết: “Đây là bài học cay đắng mà Hiệp hội dù đã cảnh báo mấy năm nay, nhưng các doanh nghiệp vẫn không tránh được”.

Theo một số chuyên gia, nhà đầu cơ thường sử dụng sức mạnh tài chính để khống chế và ép giá xuống. Vì vậy phải tìm mọi cách không để cho nhà đầu cơ gây sức ép. Trong xu thế giá giảm kiên quyết không giao dịch theo hợp đồng trừ lùi mà bán theo hình thức giao ngay.