Đứng thứ 2 về sản lượng cung cấp cho thị trường thế giới nhưng cà phê Việt Nam lại đang đối mặt với nhiều vấn đề, mà đặc biệt là chất lượng và tính bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Bộ NNPTNT xác định, để đảm bảo sản xuất bền vững, có hiệu quả thì cần phải từng bước giảm diện tích cà phê. Theo đó, đến năm 2020 giảm xuống còn 500.000ha, năm 2030 giảm thêm 20.000ha. Cùng với đó, công tác chế biến phải được chú trọng bằng cách đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến với công nghệ hiện đại; đưa các sản phẩm từ cà phê ra thị trường với chất lượng tốt nhất. Tái canh vườn cà phê già cỗi cũng là vấn đề trọng tâm hiện nay.
Tại Hội thảo về vấn đề này (diễn ra ngày 25.7, tại Đăk Lăk), Cục Trồng trọt cho biết, từ nay đến năm 2020, tại các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, diện tích cà phê cần tái canh lên đến 200.000ha. Từ các mô hình đã thực hiện cho thấy, cần phải luân canh tối thiểu 2 năm bằng cây họ đậu, sau đó mới có thể tiếp tục trồng cà phê. Như vậy trong thời gian tới việc tái canh phải được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm chỉ thực hiện chừng 15-20% diện tích.
Hiện nay, Ngân hàng NNPTNT đã ký bản ghi nhớ cam kết tài trợ 12.000 tỷ đồng cho chương trình tái canh cà phê. Để việc tái canh đạt hiệu quả cao thì các tỉnh cần phải nhanh chóng khảo sát, quy hoạch diện tích; tăng cường các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật cho người dân…