Nâng giá trị cà phê Việt

Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch cao mà Việt Nam có thể chủ động tốt khâu sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, giá trị gia tăng thu lại vẫn rất thấp so với khâu phân phối thương mại. Muốn ngành cà phê phát triển, không gì khác hơn là phải có chính sách toàn diện từ khâu trồng trọt, sản xuất, chế biến cho đến xuất khẩu cùng với việc liên kết của “bốn nhà”: nhà nông, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) và Nhà nước.

ca-phe-viet-nam_55496

Xuất to nhưng lợi nhỏ

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, niên vụ cà phê 2011-2012, cả nước xuất khẩu (XK) 1,7 triệu tấn, trị giá hơn 3,4 tỷ USD. Nhưng điều đáng buồn là tuy chiếm gần 30% khối lượng cà phê giao dịch trên toàn thế giới song kim ngạch XK của Việt Nam chỉ chiếm 10% trong tổng giá trị thương mại toàn cầu. Nguyên nhân chính là do khâu chế biến sâu của ta còn hạn chế.

Hiện nay cà phê hòa tan và rang xay chiếm chưa đến 10% sản lượng. Từ trước đến nay, 95% sản lượng cà phê Việt Nam sản xuất được đều XK, nhưng điều đáng nói số này chủ yếu là cà phê nhân, chưa qua chế biến sâu và chất lượng lại không ổn định.

Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, hiện cả nước mới có bốn thương hiệu cà phê hòa tan và 20 thương hiệu cà phê rang xay. Trong khi đó, số cơ sở chế biến cà phê nhân (97) và cà phê bột (160) lại quá dư thừa nên mới chỉ chạy được 50% công suất. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có những DN sản xuất, chế biến sâu như Trung Nguyên, Nestlé Việt Nam, Vinacafé Biên Hòa, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đầu tư về phương diện này còn quá ít nên lượng cà phê XK lớn nhưng mang lại giá trị rất nhỏ. Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam – khẳng định, để khai thác thị trường cà phê chế biến, DN phải nâng công suất, mở rộng đầu tư sản xuất và xúc tiến thị trường.

Đầu tư thương hiệu

Theo các chuyên gia, để tăng giá trị cho cà phê Việt, bên cạnh việc chế biến sâu, cần phải đầu tư cho giá trị thương hiệu, trong đó việc xây dựng cà phê có chỉ dẫn địa lý (GI) là một yếu tố quan trọng. Ông Trịnh Đức Minh – Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột – cho rằng, cà phê có chỉ dẫn địa lý là một trong những xu hướng phát triển quan trọng được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Chỉ dẫn địa lý được xem là công cụ để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt Nam. Trên thế giới, lượng cà phê có chỉ dẫn địa lý XK chưa đáng kể nên giá khá cao.

Xác định đây là vấn đề quan trọng trong việc nâng tầm cây cà phê, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm này nên thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã đăng bạ chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” để được bảo hộ tại thị trường trong nước và ở 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với cà phê loại này, mỗi nông dân được trả thêm 400 – 500 đồng/kg cà phê nhân.

Bên cạnh các yếu tố trên, một trong những điều kiện quan trọng để nâng giá trị cho cà phê Việt, giúp ngành này phát triển bền vững, cấp thiết phải có sự liên kết giữa “bốn nhà”: nhà nông, nhà quản lý, DN và Nhà nước. Theo ông Trương Hồng – Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, vài năm trở lại đây chất lượng cà phê Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, nếu quản lý tốt hơn, các DN, hiệp hội nỗ lực nhiều hơn và có sự liên kết “bốn nhà” thì chất lượng cà phê sẽ tốt hơn.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, người tâm huyết với nhiều dự án cà phê – cho rằng nên có những đòn bẩy để tạo sự chuyển biến trong ngành cà phê theo hướng chất lượng và bền vững. Trong đó, cần xây dựng ngành nông nghiệp cà phê tiên tiến kết hợp với xây dựng và bảo vệ hình ảnh song song với việc đưa cà phê Việt Nam hòa vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dựa vào công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem cà phê là một trong những lợi thế cạnh tranh của quốc gia, từ đó có chính sách vĩ mô và cấp độ cho ngành đúng mức. Cần phải xây dựng một “quốc gia cà phê” để khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc đóng góp giá trị gia tăng vào ngành cà phê toàn cầu.