Vinacafe được ’bơm hơn’ 6.300 tỷ dù kinh doanh thua lỗ

Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 tổ chức ngày 12/4, Agribank đã ký với Tổng công ty cà phê Việt Nam về việc tài trợ gói tín dụng 4.165 tỷ đồng hỗ trợ chương trình thu mua chế biến xuất khẩu cà phê niên vụ 2013 – 2014 và gói tín dụng 2.110 tỷ đồng đầu tư trồng, chăm sóc tái canh cà phê.

images

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo đã ký hợp đồng tín dụng nguyên tắc với một số doanh nghiệp về lĩnh vực đầu tư phát triển cây cà phê, với tổng hạn mức tài trợ lên tới hơn 12,9 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Agribank đã ký với Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) về việc tài trợ gói tín dụng 4.165 tỷ đồng hỗ trợ chương trình thu mua chế biến xuất khẩu cà phê niên vụ 2013 – 2014 và gói tín dụng 2.110 tỷ đồng đầu tư trồng, chăm sóc tái canh cà phê; Ký kết biên bản ghi nhớ thoả thuận tài trợ vốn 3.000 tỷ đồng cho chương trình đầu tư trồng, chăm sóc, tái canh cà phê với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk; Ký kết biên bản ghi nhớ thoả thuận tài trợ vốn 2.800 tỷ đồng cho chương trình đầu tư trồng, chăm sóc, tái canh cà phê với Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng…

Trước đó, Vinacafe đã kiến nghị Nhà nước cho vay hàng nghìn tỷ đồng. Bao gồm: cho vay 1.969 tỷ đồng để thực hiện chương trình tái canh 11.000 ha cà phê; phê duyệt chương trình cải tạo, nâng cấp cấp bách 28 công trình thuỷ lợi với ngồn vốn 240 tỷ đồng; cấp bổ sung vốn điều lệ, hoặc cơ chế tạo vốn lưu động khoảng 1.000 tỷ đồng.

Vinacafe còn đề nghị xem xét xoá khoản nợ ODA (61 tỷ đồng), xử lý nợ AFD (211 tỷ đồng); đồng thời có cơ chế cho công ty mẹ – Vinacafe vay vốn để thu mua, tạm trữ phục vụ xuất khẩu 100.000 ngàn tấn/năm, tương đương 4.500 tỷ đồng…

Trong khi đó, tổng công ty này lỗ luỹ kế 382,5 tỷ đồng. Khối lượng xuất khẩu của Tổng công ty cà phê Việt Nam chưa đầy 10.000 tấn, bằng 49% kế hoạch; kim ngạch được 20 triệu USD, bằng 43% kế hoạch. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu của Vinacafe chưa được 1 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Cũng vì sản xuất kinh doanh của Vinacafe trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị trực thuộc Vinacafe kinh doanh thua lỗ, vì thế, để tái cơ cấu lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra hai phương án để hội đồng thành viên Vinacafe lựa chọn và quyết định.

Phương án thứ nhất là Vinacafe sẽ phải bán nhà máy chế biến cà phê Đà Lạt, bán trụ sở văn phòng tổng công ty và các tài sản khác, thoái vốn tại các công ty cổ phần hoạt động kinh doanh kém hiệu quả hoặc không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Vinacafe để có tiền trả các khoản vay quá hạn…

Phương án thứ hai là Vinacafe sẽ sáp nhập vào Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và trở thành tổng công ty trực thuộc VRG để tái cơ cấu.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, một thành viên trong ban giám đốc Vinacafe cho biết, tổng công ty này sẽ cố gắng làm mọi các để giữ lại tổng công ty chứ không sáp nhập vào VRG.

Trước đó, do làm ăn thua lỗ nên một trong những công ty 100% vốn của Vinacafe là Công ty TNHH MTV cà phê Eatul (Đắk Lăk) đã chuyển nguyên trạng gồm 400 héc ta cà phê, số tiền nợ quá hạn, lãi vay quá hạn trả nợ ngân hàng cũng như toàn bộ lực lượng lao động cho tỉnh Đăk Lăk để sau đó giao lại cho Công ty cà phê Trung Nguyên.

Theo Baodatviet.vn