Giá trị văn hoá từ những hạt cà phê Tây Nguyên

Một trong những nét đặc sắc của Tây Nguyên chính là cách những cư dân của “thánh địa cà phê thế giới” này thưởng thức sản phẩm của mình. Nếu chúng ta biết cách nuôi dưỡng và khai thác, những yếu tố văn hoá đó hoàn toàn có thể tạo nên những giá trị gia tăng cho cà phê của Tây Nguyên.

ca-phe-viet-nam_55496

Để lấy nước pha cà phê, chị Hơ 5 phải dậy từ 3-4 giờ sáng, đeo gùi ra suối lấy nước. Con suối cách nhà khoảng 6 cây số. Ngôi nhà chung của gia đình chị gồm 4 hộ, bao gồm 16 người. Uống một tách cà phê là thói quen của mọi thành viên trước khi bắt đầu một ngày mới. Không riêng gì nhà chị Hơ 5, uống cà phê buổi sáng đã trở thành thông lệ đối với hơn 195.000 người Ê đê sống ở Đắc Lắk.

Hàng ngày, những người phụ nữ Ê đê dậy từ 3 giờ sáng để rang và xay cà phê. Trước khi bán ra bên ngoài, những hạt cà phê ngon nhất trong vuờn được người dân hái để dành riêng cho gia đình.

Chị H Năm Mê (Buôn M Grư, xã Cư Xuê, huyện Cư Mgar, Đắk Lăk) cho biết: “Chúng tôi thường tự giã cà phê bằng cối… Mỗi lần giã khoảng 10kg để uống dần”.

Giống như người Brasil hay Thổ Nhĩ Kỳ, người dân Ê đê cũng thích uống cà phê đặc quánh. Điểm khác duy nhất là người Ê đê không thích pha bất cứ một hương liệu nào vào cà phê. Với cà phê nguyên chất như vậy, người ngoài nếu không quen uống vào sẽ dễ say bởi cà phê rất đặc và đắng. 5 thìa to bột cà phê nguyên chất đủ để pha cho một gia đình 16 người. Một điểm độc đáo của người Ê đê là cà phê không pha bằng phin như các quán cà phê của người Kinh, không pha bằng máy như thường thấy ở các công sở nước ngoài, mà được lọc qua một cái túi may bằng vải bông, do chính những người phụ nữ tự khâu.

Một điểm đặc biệt nữa là trẻ con Ê đê cũng biết uống cà phê từ rất sớm. Theo chị H Diai (M Grư, xã Cư Xuê, huyện Cư Mgar, Đắk lăk): “Trẻ con nhà tôi rất thích uống cà phê, 3 tuổi đã biết uống rồi”.

Có thể nói, cà phê trở thành người bạn đồng hành cùng người Ê đê trong suốt cuộc đời. Mỗi buổi sáng, họ uống cà phê trước khi ăn bất cứ thứ gì vào bụng. Thức ăn có thể thay đổi hàng ngày theo bữa cơm, còn cà phê, chỉ một hương liệu, suốt đời không đổi. Lót dạ xong ly cà phê đen, người dân Ê đê sẽ ăn sáng. Đây là bữa cơm chính trong ngày của họ. Những bát bạo nương thơm lừng cùng canh măng, canh môn và canh bầu. Khi trình tự đó kết thúc mới là lúc người phụ nữ có thời gian riêng cho mình, còn những nguời đàn ông chuẩn bị ra rẫy.

Hạt cà phê gắn bó với người Ê đê bởi uống cà phê đã trở thành một tập tục, được tiếp nối từ đời này qua đời khác. Bây giờ nó lại càng trở nên quan trọng hơn khi hầu như nhà nào ở đây cũng trồng cà phê xuất khẩu. Cà phê trở thành nguồn thu nhập chính của họ. Và một cách vô thức, người dân Ê đê đang gửi gắm những giá trị văn hoá của mình trong mỗi hạt cà phê bán ra nước ngoài.