Khéo dùng cà phê

Người uống cà phê không những thưởng thức mùi vị thơm, gây sảng khoái mà còn được kích thích hoạt động trí óc. Tác dụng gây hưng phấn của cà phê là do chứa các hợp chất mà thành phần cơ bản là cafein, với hàm lượng 0,7-2%, ít hơn so với trà (chè) ở mức 2-3%. Tuy nhiên, một ly cà phê có tác dụng kích thích mạnh hơn vì chứa khoảng 100mg cafein, còn một ấm trà có ít cafein hơn.

cafe5_129

Cafein là chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương làm tỉnh táo, kích thích khả năng làm việc, đặc biệt làm việc bằng trí óc, tăng cường hoạt động cơ và sự phối hợp hoạt động. Ai quen uống cà phê cũng thấy phấn chấn khi có một ly cà phê vào buổi sáng. Cũng như để đối phó với cơn buồn ngủ khi cần làm việc đêm, một ly cà phê đen đậm được xem là một biện pháp hiệu quả.

Cà phê còn được xem là có giá trị dinh dưỡng với 12% lipid (chất béo), 12% protid (chất đạm), 4% chất khoáng, nhiều nhất là kali và magnesium. Pha với đường và sữa giá trị dinh dưỡng của cà phê được nâng lên.

Tuy nhiên, cà phê cũng có những bất lợi. Cafein có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động của hệ thống tim mạch. Vì vậy, ở một số người uống cà phê sẽ làm tim đập nhanh hơn, nhức đầu, run tay, cảm thấy bất an. Cho nên những người bị rối loạn tim mạch không nên uống cà phê. Cafein có tác dụng lợi tiểu, nếu uống cà phê ban đêm, ngoài tác dụng khó ngủ lại phải thức giấc đi tiểu đêm.

Để phù hợp với thị hiếu và tình trạng sức khỏe của nhiều người, thị trường đã có loại cà phê lấy bớt hoặc lấy hết cafein. Cafein có tác dụng kích thích làm tăng tiết acid dịch vị. Vì vậy tránh uống cà phê vào lúc bụng trống để bảo vệ niêm mạc dạ dày, nhất là những người đã sẵn yếu dạ dày. Chỉ uống cà phê vào buổi sáng mà không ăn điểm tâm cũng có hại cho sức khỏe. Cafein có thể gây tương tác với một số dược phẩm như làm mất tác dụng của thuốc an thần gây ngủ, hoặc một số kháng sinh quinolon uống chung với cà phê sẽ làm tăng tác dụng kích thích quá đáng của cafein. Vì vậy, nên tránh uống cà phê với thuốc.

Riêng đối với các bạn sinh viên học sinh, không nên lạm dụng cà phê (kể cả trà đậm) cho việc thức đêm học thi. Do không tổ chức việc học tập, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học nên có một số bạn trẻ gần tới ngày thi mới học dồn, học nén và nhờ đến cà phê thật đậm để có sự tỉnh táo thức đêm gạo bài.

Lưu ý, mệt mỏi buồn ngủ là dấu hiệu cần thiết cho biết cơ thể cần nghỉ ngơi, ngủ đủ. Dùng cà phê để tỉnh táo với cặp mắt mở trao tráo chỉ là sự đánh lừa, thực chất cơ thể vẫn mệt mỏi. Dùng cà phê để thức đêm dài ngày là rất có hại cho sức khỏe, đặc biệt hại cho trí não là nơi cần có sự phục hồi năng lực nhờ ngủ đủ.