Nổi hứng, tôi làm một cái điều tra thống kê nho nhỏ về số người uống cà phê của Phố Núi. Kết quả khá bất ngờ với 92% nam giới từ 18 đến 80 tuổi thường xuyên hoăc không thường xuyên uống loại thức uống này, Phía các bà , các cô cũng có tới 56% kể cả thể loại Bạc xỉu ( sữa với một chút cà phê). Nếu kết quả trên phạm vi cả nước mà được như thế này thì có khi cà phê đã trở thành quốc ẩm rồi.
Từ xa xưa, Pleiku vì thế luôn luôn là một thành phố của quán cà phê, số lượng và sự đa dạng còn hơn cả xứ Buồn muôn thưở, nơi mà ông Trung Nguyên có ý tưởng xây dựng thành “Thiên Đường Cà Phê” của Việt Nam.
Trở về những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Pleiku được mệnh danh là thành phố Lính, mà lính thì chẳng ông nào không uống cà phê. Muốn uống một ly buổi sáng, chỉ cần bước chân ra ngõ với vỉa hè , góc phố đâu đâu cũng có. Cần một ly chất đắng với nhạc, không gian thích hợp để nghiền ngẫm sự đời, hoặc để nỗi buồn gặm nhấm tâm can thì cũng chẳng thiếu chỗ. Lúc ấy, mấy quán được ưa chuông nhất phải kể đến Văn, chuyên trị nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly, Phong phú hơn về nhạc là Trang, Kim Liên, Phong Lan……, Hoàng Lan thì dành cho các ông sĩ quan đa tình với cô chủ quán tên Lan có mái tóc dài rất đẹp ở góc đường Phó Đức Chính. Văn nghệ sĩ có nơi chốn riêng với Tay Trái ở đường Lê Lai bây giờ, với những đêm thơ nhạc cuối tuần.
Năm 1972, người Sài Gòn ra mở cà phê Tâm Giao ở cạnh hội quán Phượng Hoàng với phong cách sang trọng, ghế cao, bàn trải khăn trắng muốt cùng hoa tươi với đối tượng phục vụ là các quan chức , sĩ quan cao cấp thời ấy. Ngày đó, chất lượng ly cà phê là cực kỳ quan trọng để thu hút khách.
Nhưng cái tên Dinh Điền mới thực sự khó quên đối với dân ghiền cà phê Pleiku bởi hương vị của ly cà phê ở đây. Quán rất bình dân, nếu không nói là lụp xụp, nhưng sáng nào khách đến chậm thì chẳng có một chỗ ngồi, riết thành một phong cách uống mà chỉ có ở Dinh Điền: gọi một ly, chẳng cần ngồi, đứng đâu đó, trộn từng ngụm cà phê với khói của hai điếu Ruby queen, Capstan hoặc Pall Mall là xong cơn ghiền buổi sáng. Chẳng thế, thiện hạ còn đồn ầm rằng sái thuốc phiện là một thành phần pha chế của Dinh Điền.
Sau 1975, Dân ghiện cà phê gặp cảnh gian nan vì khẩu hiệu “tất cả cho xuất khẩu”, Bất đầu một thời kỳ “Cà Phê uống lén”, Tuy không gay gắt như ở Ban Mê, nhưng Phố núi Pleiku đành phải đánh mất những gì đã có. Cần ghi nhận sự dũng cảm của ông Giáp (cà phê Kim Liên), ông Giác (cà phê Thu Hà), kiên trì và chấp nhận “buôn lậu” để có cà phêphục vụ thượng đế, mà cái quán Kim Liên ấy giờ nằm trên đường Tăng Bạt Hổ có thể xem như kỳ cựu nhất ở đây rồi, Theo tôi, quán này đã có non nửa thế kỷ theo nghề.
Thời mở cửa, Cà phê Pleiku như vũ bão mà tiến lên không ngừng. Người giàu lên khoảnh khắc, kẻ thất bại ê chề cũng chỉ từ ly cà phê nhỏ. Bây giờ, Dân uống cà phê Pleiku tha hồ mà chọn lựa cho mình một chỗ với cơ man nào là quán. Ngoài Hoàng Nhật, Hoàng Hà, Trăng Thu,Tennis, Thủy Trúc, Trúc Anh, Tân Cao Nguyên, Uyên, Trâm…. rồi phố núi cũng hình thành cả một con đường cà phê nằm dài con dốc võng trong khu Đức An, nào Nhạc Trịnh, Đùng Đình, Hình Như Là, Dáng Xưa, Souvenir…
Chỉ tiếc rằng đã quá nhiều về số lượng, nhưng tôi chẳng tìm thấy một điểm nhấn nào ấn tượng cỡ Văn hoặc Dinh Điền ngày trước. Cái cách uống cà phê của người Pleiku bây giờ khá đơn giản, có lẽ một ly cà phê sáng chỉ là một thói quen khó bỏ. Trước đây ít ai uống cà phê đá, bây giờ đã có nhiều biến tấu. Giới trẻ chọn quán với tiêu chí khung cảnh và nhạc là chính, khách không đặt nặng chất lượng cà phê cho lắm! Cà phê Pleiku bây giờ quá nhiều về số, quá phong phú, đa dạng nhưng chưa thể đủ chất nghệ thuật để trở thành Cà phê ĐẠO.
Theo Ltpleiku.com