Đà Lạt, riêng một góc nhìn

Người ta vẫn thường nói chiều Đà Lạt vừa đẹp như tranh vừa lành như đất nhưng tôi về độ này Đà Lạt bắt đầu vào mùa mưa, chiều nào cũng mưa. Những chiều mưa luôn gợi nỗi nhớ. Không phải chỉ có nhớ đất, nhớ người, nhớ cây, nhớ núi… mà còn nhớ quán cà phê! Nó gợi lên hình ảnh chứ không phải gợi lên một dư vị, chỉ đơn giản thế thôi nhưng đó là một nỗi nhớ dài miên man bất tận trong lòng. Có thể cà phê Đà Lạt không đặc biệt ngon nhưng sự thi vị trong từng góc quán, từng chỗ ngồi, từng khung cửa khiến nó quyến luyến bước chân người đi …

images645340_081598e62cf86b8350af70028be908af

Đó là Cà phê Tùng, nguyên bản của cà phê Đà Lạt cách đây nửa thế kỷ, chính nơi đó trước kia đã từng là chỗ quen thuộc của chàng lãng tử họ Trịnh tìm đến, phiêu bồng bên tách cà phê và cho ra đời không biết bao nhiêu bản tình ca bất hủ. Góc quán ấy bây giờ là nơi hàng ngày nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK thường ngồi nhấm nháp cà phê cùng bạn bè và cho ra đời hàng loạt ảnh nghệ thuật đẹp như mơ. Là Cung Tơ Chiều, nơi có cô chủ quán lập dị nhưng hát và đánh đàn làm bất kỳ ai đến nghe xong, trở về nhà rồi vẫn còn bị quyến luyến, mê hoặc vì giọng hát liêu trai và cung cách tiếp chuyện kỳ lạ. Là Cổ, một quán cà phê có phong cách rất riêng, khách vào quán sẽ được nhâm nhi tách cà phê và ngắm một bảo tàng gia đình về Đà Lạt cổ xưa. Trong không gian ốp toàn bằng gỗ thông và giăng kín trên tường, trên kệ là đủ thứ vật dụng có cái mộc mạc, có cái quý hiếm độc đáo của người Đà Lạt trong một thế kỷ qua. Rồi rợn người với Đường Lên Trăng khi thưởng thức cà phê trong không gian là những đường hầm hun hút không biết đâu là điểm dừng, quán cà phê được thiết kế và xây dựng bởi chính chủ nhân là một kiến trúc sư nổi danh ở Đà Lạt. Là Cà phê sách Hoa Violet nằm trong khu biệt thự cổ Cadasa Resort trên đường Trần Hưng Đạo. Quán có vườn hoa rộng với phong cảnh cổ kính theo lối kiến trúc châu Âu. Khách đến đây, ngoài thú tìm đọc sách kinh điển quý hiếm còn tận hưởng không gian lãng mạn qua câu chuyện tình Hoa violet ngày thứ tư, truyện ngắn của nhà văn Pháp André Mauroix, kể về anh lính André và cô ca sĩ Jennie xinh đẹp, lừng danh một thời. Và còn nữa, những Rainy, Mộc, An Tiến, Stop and Go, Đà Lạt Night, Thuỷ Tạ, Thanh Thuỷ, Nghệ Sỹ… nơi mà những người trót lỡ yêu Đà Lạt, ghiền quán cà phê Đà Lạt không thể nào chỉ đến một lần.

images645356_c221683bcbf826b50665a31a1616b4dc

Mới có hơn hai năm không về mà Dalat thêm nhiều quán Cà phê mới quá! Chiều nay mưa, tôi chọn ngồi một mình ở Cà phê – Sách Phương Nam. Cách bài trí ở đây làm tôi thấy hài lòng, thích thú bởi sự đơn giản, thoải mái nhưng thanh lịch. Không gian yên tĩnh, nhạc dịu nhẹ, wifi sẵn sàng, chỗ ngồi cũng khá riêng tư vì được ngăn cách tầm nhìn bằng cây cảnh, các cửa sổ kính rộng và các chậu hoa nhỏ tươi tắn. Song điều làm tôi thấy thích nhất chính là màu xanh lá mạ phủ xung quanh ghế ngồi và rất nhiều kệ sách – báo đặt ngay tầm tay, vừa tiện tìm sách vừa để ngăn cách với không gian khác trong nhà sách. Tính chọn cho mình một quyển hay hay, gọi một ly nâu đúng gu yêu thích rồi mặc sức đắm chìm trong thế giới của riêng mình, không bận tâm đến những ngược xuôi bên ngoài khung cửa kính nhưng mà … trời mưa! Ngước mắt nhìn bầu trời cao nguyên sũng nước, ngắm màn mưa rắc rây như những sợi tơ trời thoảng qua, ngừng, rồi lại thoảng qua. Cảm giác mưa đang cố tình trêu ghẹo, không làm ướt áo mà chỉ ướt lòng người ở, người đi. Đôi lúc, thấy mưa ào xuống thật nhanh như tặng người trên phố những phút giây dừng lại để khẽ khàng chạm bàn tay nhau, cúi đầu bên nhau, dập dìu bên nhau … Bất chợt mỉm cười nghĩ mưa Đà Lạt thật thân thiện … giang tay đón cả người lạ lẫn người quen …!

images645357_06b359fa3838d7f75bec1a3cea67aef3

Đang nhắm mắt, vẫn vơ nhớ gần nhớ xa … thì cau mày vì sự ồn ào của những “người trẻ” ngồi bàn bên cạnh. Họ trẻ, họ cười đùa, họ đọc sách, họ bàn tán, và họ không phải người Đà Lạt, chắc chắn không, vì người Đà lạt không bao giờ phàn nàn chê Đà Lạt cũ xưa, Đà Lạt không chịu thay đổi chút nào, ở Đà Lạt chẳng biết đi đâu, chán! Chưa kịp … ghét thì phì cười khi nghe họ thì thào hỏi nhau “Liệu ở đây có ma không …”!? Thật ngạc nhiên vì ai đến Đà Lạt ngoài chuyện “khen chê thì cũng người ta thường tình”, kiểu gì rồi cũng cũng “thập thò” câu hỏi …”CÓ NHÀ MA KHÔNG?” như các bạn trẻ đang hỏi nhau kia kìa. Có không? Phải hỏi lòng mình chứ? Lòng bạn có yên ổn không? Có làm việc gì xấu không? Lương tâm bạn có cắn rứt không? Nếu bạn trả lời không, việc gì bạn phải …thì thào sợ hãi?

images645358_94c108319a0ae3a07e8618ef88861014

Còn nhớ, có một lần tôi đến cà phê Cung Tơ Chiều. Những câu chuyện thêu dệt ly kỳ về “Cung tơ chiều” khiến người yếu bóng vía không đủ can đảm qua đó một mình. Quán nằm heo hút trên một triền đồi, bốn bên thông reo vi vút. Đường lên quán không thênh thang rộng mở, chẳng rõ ràng phân minh, mà mờ tỏ ngoằn ngoèo một vệt như sương trong những ngày nắng đẹp, như khói xanh lúc nửa khuya, liêu xiêu dẫn vào khung cửa hẹp. Điều đáng nói không phải con đường nhỏ lên đồi, mà là cô chủ quán. Cô chủ quán kỳ lạ có ánh mắt hoang dại, giọng nói khàn khàn như lửa địa ngục và cách cô nói về những con ma đang vây quanh như thế này: “Quanh đây ma nhiều lắm, ma đang đứng xung quanh để nghe nhạc và để nhìn ngắm con người. Ma hiền lắm! Họ cũng có cuộc sống như con người. Trước sau gì chúng ta cũng phải qua kiếp đó, tại sao lại phải sợ?”.

Vì cùng suy nghĩ như cô chủ quán Cung Tơ chiều nên tôi từng đến gõ cửa, vào chơi suốt một buổi ở ngôi nhà hoang nổi tiếng có MA ngay đầu đèo Prenn – ngôi nhà mà nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết trong truyện cực ngắn “Tôi thấy ma ở Dalat”. Đón tiếp tôi là một lão bộc tuổi quá 60 đang trông nom ngôi nhà vì cả gia đình đang định cư bên Mỹ. Hỏi chuyện vì sao ngưởi ta đồn dữ vậy, ông chỉ cười, nói khuôn viên vườn rộng quá, trộm đạo, trẻ con phá phách nên …

images645359_01638fed699863263951775419ba2c45

Tôi cũng từng dừng chân trên đường Trần Hưng Đạo, ngắm nhìn tòa villa cháy nham nhở, đổ nát, hoang tàn. Người ta đồn ngôi nhà đó ma ám, cứ xây lên là cháy nên đã qua năm ba đời chủ mà cuối cùng bị bỏ hoang … Chả biết thật hư thế nào vì có “chủ” đâu mà hỏi, nhưng nghĩ ngôi nhà có khác chi con người, một lần lỡ tay, một lần lầm lỗi, cả đời bị quy án, bị chụp mũ, bị hất hủi dù những cái “lỗi”sau chưa chắc là lỗi của mình … Nếu đã tin có ma, tại sao không nghĩ dù là người hay ma thì cũng đều có thế giới riêng, có cuộc sống riêng, ta không làm tổn hại đến ai tại sao ta phải sợ …?

Nhìn nhóm “người trẻ” đang băn khoăn, đang buồn bực và thất vọng về Đà Lạt, tự nhiên tôi thấy mình có trách nhiệm, thế nên nhìn sang bàn bên … mỉm cười. Sức mạnh của nụ cười thật kỳ lạ! Ngay lập tức, nó có thể biến những người xa lạ thành người quen. Nhóm bạn trẻ cầm tập Du lịch Dalat ùa tới, mang thêm nào cà phê, nào bánh, những nụ cười trẻ trung và huyên thuyên không ngớt về Đà Lạt. Hết nữa buổi chiều còn lại, những người bạn trẻ đã có thêm chút thông tin về 7 người điên ở Đà lạt là ai, biết bộ sưu tập đồ cổ nổi tiếng với chiếc bếp lò nặng 300 kg có khắc dòng chữ Ballansard Dalat chỉ có duy nhất tại Đà Lạt do Pháp đặt các thợ thủ công ở “mẫu quốc” làm rồi mang qua đây để dùng, dàn máy hát đĩa quay dây thiều nhãn hiệu Colombia từ thuở bắt đầu có tên gọi Đà Lạt, cây đàn piano Gaveau, hiệu đàn nổi tiếng đầu thế kỷ 20 và chiếc cúp bóng đá Đông Dương khắc tên vua Bảo Đại và toàn quyền Đông Dương Decoux năm 1942 … tất cả những cổ vật ấy là tài sản của ai? giờ ở đâu? Vì sao người ta nói vui “đặc sản” của thành phố sương mù này ngoài rừng thông, rau quả, hoa tươi thì phải kể đến … một “Gã khùng” tên là NPK! Cả chuyện nghệ nhân Huỳnh Kim Hoàng chuyên tạo ra những cây đàn ghi ta thủ công nổi tiếng cả miền Nam hiện đang sống ở dốc Kim Đồng, P.6, Tp – Đà Lạt, chuyện nông dân ấp Hà Đông trồng dâu, chuyện làm trà, làm mứt…

images645376_d8fe5591cf17d4f5d099376c79d4c231

Lúc chia tay, cả nhóm nói muốn chụp hình – tôi nheo mắt, đùa “Không sợ tối về mở máy ra xem lại, chỉ thấy màn hình trắng toát hay sao? ”. Nhìn mấy cô trong nhóm … tự nhiên tròn mắt, co rúm níu tay nhau… tôi bật cười, nghĩ người trẻ sao trong sáng thế – dễ vui buồn, hờn giận, dễ tin và cũng dễ quên … Mong sao sau chuyến đi này, họ đừng đua nhau treo lên Facebook hay viết trong Blog mấy câu kiểu “Ðà Lạt ngày nay mất nhiều thứ: mất thông, mất lạnh… và mất cả con người”, “Người Ðà Lạt ngày xưa rất hiền hoà và mến khách… không như bây giờ” hay tệ hại hơn “Ðà Lạt đâu có khác gì một người con gái đẹp lỡ thì. Và người con gái tài sắc ấy bị tàn phai nhan sắc chỉ vì những kẻ vũ phu … cưỡng hiếp” như tôi thường thấy trên các Entry cảm nhận về Dalat của những du khách tự hào bảo đã đến Đà Lạt dăm lần mà thật ra không hiểu chút gì về Đà Lạt …

Theo Thethaovietnam.vn